Loại dữ liệu điện tử nào được coi là chứng cứ trong tố tụng hình sự?
Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (Bộ luật TTHS 2015) quy định về chứng cứ là dữ liệu điện tử. Bài viết dưới đây phân tích một số nội dung của vấn đề chứng cứ là dữ liệu điện tử và việc thu thập, sử dụng chứng cứ là dữ liệu điện tử trong TTHS.
Loại dữ liệu điện tử nào được coi là chứng cứ?
Một trong những điểm mới quan trọng của BLTTHS 2015 đó là quy định một nguồn chứng cứ mới trong chương quy định về chứng cứ đó là “dữ liệu điện tử”. Đây là vấn đề mới và lần đầu tiên được chính thức ghi nhận trong hệ thống pháp luật với tư cách là một nguồn chứng cứ, được sử dụng trong giải quyết vụ án hình sự.
Chứng cứ là phương tiện để chứng minh tội phạm, người phạm tội và dùng để xác định những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự, cho nên nó xuất hiện cùng với cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Chứng cứ không chỉ đóng vai trò xác định sự thật khách quan của vụ án, mà còn phản ánh bản thân quá trình xác định sự thật khách quan đó.
Trong hoạt động tố tụng hình sự, các Cơ quan điều tra (CQĐT), truy tố, xét xử chỉ có thể xác định các tình tiết của vụ án bằng chứng cứ, để từ đó có cơ sở nhận định tội phạm có xảy ra hay không và nếu tội phạm có xảy ra, thì quyết định áp dụng các biện pháp tố tụng cần thiết. Điều đó có nghĩa, chứng cứ là phương tiện khẳng định các sự kiện, hiện tượng nhất định nhằm giải quyết đúng đắn vụ án hình sự, đồng thời loại trừ, phủ định những sự kiện, hiện tượng đã không xảy ra trong thực tế hoặc không liên quan.
Việc BLTTHS 2015 quy định tại Điều 87 một trong những nguồn chứng cứ là: dữ liệu điện tử cho thấy, trong giai đoạn hiện nay nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử ngày càng có vai trò quan trọng trong quá trình chứng minh vụ án hình sự. Việc xác định khái niệm chứng cứ là dữ liệu điện tử chúng ta cần phải hiểu thế nào là chứng cứ. Theo quy định tại Điều 86 BLTTHS năm 2015 thì: Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
Như vậy cho dù tồn tại dưới nguồn nào, chứng cứ đều có những dấu hiệu, thuộc tính căn bản – điều này cũng không loại trừ đối với chứng cứ là dữ liệu điện tử. Tuy nhiên, việc xác định khái niệm này lại có phần khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều, bởi lẽ, theo quan điểm truyền thống thì chứng cứ phải là những thông tin mang tính vật chất mà con người có thể kiểm soát, cầm nắm, chi phối được. Tuy nhiêu điều này lại không xảy ra đối với chứng cứ là dữ liệu điện tử.
Ngay kể cả cơ chế hình thành nên chứng cứ là dữ liệu điện tử cũng không giống như quan điểm mang tính truyền thống. Theo lý luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng, mọi tội phạm xảy ra trên thực tế, con người đều có thể phát hiện, chứng minh được. Cũng theo lý luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng, thì mọi sự vật đều có thuộc tính phản ánh, vì vậy hoạt động của con người, trong đó các hành vi phạm tội đều để lại dấu vết trong thế giới khách quan. Những dấu vết của hành vi phạm tội có thể được thể hiện dưới dạng vật chất như: dấu vết tội phạm tồn tại trên công cụ, phương tiện phạm tội, dấu vân tay của người phạm tội để lại trên hiện trường hoặc được phản ánh, ghi nhận trong trí nhớ của con người, có thể là nạn nhân hay người khác. Điều này không xảy ra đối với chứng cứ là dữ liệu điện tử, bởi cơ chế hình thành (sự phản ánh), cơ chế tồn tại và cơ chế mang thông tin của dữ liệu điện tử khác với các chứng cứ truyền thống, dẫn đến cách hiểu về chứng cứ điện tử cũng khác nhau.
Tại Hội thảo “Phòng chống tội phạm truyền thống và tội phạm phi truyền thống” do Bộ Công an phối hợp tổ chức, Tiến sĩ Trần Văn Hòa, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống Tội phạm công nghệ cao nhận định: “Chứng cứ điện tử là những chứng cứ được lưu giữ dưới dạng tín hiệu điện tử trong máy tính hoặc trong các thiết bị có bộ nhớ kỹ thuật số có liên quan đến vụ án hình sự”. Còn theo tổ chức Cảnh sát hình sự Quốc tế (Interpol), thì chứng cứ điện tử là thông tin và dữ liệu có giá trị điều tra dược lưu trữ hoặc truyền đi bởi một máy tính, mạng máy tính hoặc thiết bị điện tử kỹ thuật số khác. Việc xác lập, thu giữ cũng như phục hồi chứng cứ điện tử cần phải được tiến hành một cách khẩn trương nhưng thận trọng; yêu cầu sự tỉ mỉ và chính xác cao.
Điều 99 BLTTHS năm 2015 quy định: Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử. Dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác. Tương tự như vậy, Bộ luật TTDS 2015 cũng quy định tại Điều 95 cũng đã quy định một nội dung liên quan đến xác định chứng cứ đó là nguồn chứng cứ là thông điệp dữ liệu điện tử. Có thể nói thông điệp dữ liệu điện tử cũng là một nội dung tương đồng như chứng cứ là dữ liệu điện tử trong BLTTHS.
Như vậy chứng cứ là dữ liệu điện tử là những thông tin được lưu giữ dưới dạng tín hiệu điện tử trong máy tính hoặc trong các thiết bị có bộ nhớ kỹ thuật số có liên quan đến vụ án hình sự. Những thông tin đó phải có đủ ba thuộc tính là: tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp. Để những “dữ liệu điện tử” có thể trở thành chứng cứ chứng minh sự thật của vụ án, thì dữ liệu đó phải đảm bảo các yếu tố đó là: dữ liệu tồn tại khách quan; liên quan đến vụ án và chứng cứ đó phải được thu thập hợp pháp.
Ngoài ra, vì “dữ liệu điện tử” lưu giữ trong máy tính và thiết bị số, nên để trở thành chứng cứ pháp lý, nó còn phải thỏa mãn 3 đặc điểm mang tính chất đặc thù khác, gồm: Tính “khách quan”: Tính “nguyên trạng”- không có sự can thiệp từ bên ngoài nào vào nội dung của dữ liệu để thay đổi hoặc xóa bỏ và phải “kiểm chứng được”.
Về mặt thực tiễn. Trong thời đại công nghệ thông tin và truyền thông phát triển như hiện nay, không một cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nào có thể tách rời được máy tính và mạng máy tính. Chính vì vậy, hoạt động phạm tội của các đối tượng sử dụng công nghệ cao ngày càng phổ biến, thủ đoạn phạm tội của chúng ngày càng tinh vi. Do đó, việc công nhận chứng cứ từ dữ liệu điện tử là một bước tiến trong tố tụng hình sự ở nước ta bởi các bước điều tra để chứng minh quá trình phạm tội ngày càng phụ thuộc lớn vào chứng cứ điện tử.
Thu thập và sử dụng chứng cứ là dữ liệu điện tử trong tố tụng hình sự
Thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự là quá trình phát hiện, ghi nhận, thu giữ và bảo quản chứng cứ do Điều tra viên và những người theo luật định tiến hành bằng các phương pháp, biện pháp và phương tiện phù hợp với pháp luật, không trái với pháp luật. Như vậy nội dung của hoạt động thu thập chứng cứ bao gồm: phát hiện, ghi nhận, thu giữ và bảo quản chứng cứ.
Điều 107, Bộ luật TTHS 2015 quy định về thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử như sau: phải được thu giữ kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng và niêm phong ngay sau khi thu giữ theo quy định của pháp luật. Trường hợp không thể thu giữ phương tiện lưu trữ dữ liệu điện tử thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sao lưu dữ liệu điện tử đó vào phương tiện điện tử và bảo quản như đối với vật chứng, đồng thời yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan lưu trữ, bảo toàn nguyên vẹn dữ liệu điện tử mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã sao lưu và cơ quan, tổ chức, cá nhân này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Khi thu thập, chặn thu, sao lưu dữ liệu điện tử từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc trên đường truyền, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiến hành phải lập biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án.
Khi nhận được quyết định trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì cá nhân, tổ chức có trách nhiệm thực hiện phục hồi, tìm kiếm, giám định dữ liệu điện tử. Việc phục hồi, tìm kiếm, giám định dữ liệu điện tử chỉ được thực hiện trên bản sao; kết quả phục hồi, tìm kiếm, giám định phải chuyển sang dạng có thể đọc, nghe hoặc nhìn được.
Chứng cứ là dữ liệu điện tử có sự khác biệt về nội dung tồn tại cũng như phương thức ghi nhận so với các chứng cứ khác vì vậy để hoạt động này được tiến hành một cách thuận lợi và đạt hiệu quả mong muốn ngoài việc tuân thủ triệt để các nguyên tắc trong thu thập, bảo quản, phục hồi, phân tích, tìm kiếm và giám định chứng cứ nói chung, khi tiến hành thu thập, bảo quản, phục hồi, phân tích, tìm kiếm và giám định chứng cứ điện tử cần quán triệt thêm các vấn đề như: không làm thay đổi thông tin được lưu trong máy tính hoặc trong các thiết bị kỹ thuật số; khi phải tiếp cận với thông tin gốc được lưu trữ phải là những chuyên gia được đào tạo để thực hiện việc thu thập và phục hồi chứng cứ điện tử...
Hơn nữa, việc ghi lại dữ liệu phải được thực hiện đúng quy trình; phải sử dụng các thiết bị và phần mềm được thế giới công nhận và có thể kiểm chứng được; Phải chứng minh được quá trình khôi phục dữ liệu, tìm được chứng cứ; khi cần thiết có thể lặp lại quá trình đi tới kết quả tương tự như trình bày tại tòa.
Khi thu thập phương tiện điện tử và dữ liệu điện tử phải đảm bảo hai yêu cầu về tố tụng hình sự:
Một là, tính hợp pháp là phải thu và bảo quản đúng luật: Làm đủ thủ tục tố tụng hình sự về khám xét, thu giữ, lập biên bản, chụp ảnh, vẽ sơ đồ, bảo quản vật chứng lưu dữ liệu điện tử để bảo đảm giá trị pháp lý của dữ liệu điện tử cũng như các điều kiện để dữ liệu điện tử có thể sử dụng làm chứng cứ.
Hai là, tính xác thực: Đảm bảo trước, trong và sau khi thu giữ vật chứng lưu dữ liệu điện tử và dữ liệu điện tử đã thu giữ và lưu vào phương tiện điện tử không thể bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài làm thay đổi dữ liệu. Có đủ căn cứ chứng minh vật chứng và dữ liệu điện tử làm chứng cứ có thật, tồn tại khách quan, không bị làm sai lệch, biến dạng.
Như vậy, để dữ liệu điện tử có giá trị chứng cứ như “hồ sơ truyền thống”, hoạt động của cơ quan tư pháp như thu thập, bảo quản, phục hồi, giải mã, phân tích, tìm kiếm, giám định dữ liệu điện tử phải được thực hiện đúng trình tự, thủ tục tố tụng hình sự về khám xét, lập biên bản, niêm phong, thu giữ, bảo quản vật chứng có lưu dữ liệu điện tử (ổ cứng máy tính, điện thoại thông minh, USB, thẻ nhớ, đĩa quang, camera, máy ảnh, email...). Khi bàn giao tang vật cho chuyên gia phục hồi dữ liệu để sao chép dữ liệu, phải làm thủ tục mở niêm phong và niêm phong lại theo qui định của pháp luật.
Hoạt động giám định dữ liệu điện tử do giám định viên tư pháp thực hiện gồm: Sao chép, phục hồi, giải mã, phân tích và tìm kiếm dữ liệu lưu trong tang vật là thiết bị lưu trữ.
Kết quả của hoạt động trưng cầu giám định sẽ là căn cứ cụ thể để tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can: Nếu kết luận giám định khẳng định rằng những thẻ ngân hàng thu giữ của đối tượng là thẻ giả hoặc các thiết bị thu giữ của đối tượng có công dụng để làm thẻ giả thì CQĐT đã có đủ cơ sở để ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Cuối cùng là quá trình kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ là dữ liệu điện tử. Trong những vấn đề phải chứng minh về giá trị chứng cứ của dữ liệu trước Tòa án thì chủ thể cung cấp chứng cứ điện tử phải chứng mình được: Các biện pháp điều tra, đặc biệt là khi chặn thu, sao chép, phục hồi, giải mã, phân tích, tìm kiếm không làm thay đổi dữ liệu;
Chuyên gia sao chép, phục hồi, tìm kiếm và chuyển hóa chứng cứ thực hiện đúng qui định của pháp luật, qui trình, bảo vệ tính toàn vẹn của dữ liệu, không làm thay đổi chứng cứ; Sử dụng thiết bị, phần mềm được pháp luật công nhận;
Chứng minh được tính khách quan, tính nguyên trạng và tính kiểm chứng được của dữ liệu làm chứng cứ: Tòa án có thể yêu cầu cơ quan giám định khác thực hiện lại việc phục hồi, phân tích, tìm kiếm dữ liệu điện tử từ vật chứng có chứng kiến của Luật sư, Kiểm sát viên và Thẩm phán, lặp lại quá trình phục hồi, tìm kiếm theo đường dẫn và có kết quả tương tự.
(Theo Thẩm phán Đoàn Thị Phương- TAQS Thủ đô Hà Nội)
Xem những bài viết liên quan:
Khởi tố theo yêu cầu của bị hại
Bộ luật tố tụng hình sự quy định một số tội phạm chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của bị hại, tức là cơ quan có thẩm quyền phải nhận được yêu cầu của bị hại mới được khởi tố vụ án, còn không thì việc khởi tố này là tr&aa...
Tội làm giả con dấu, tài liệu bị xử lý TNHS thế nào?
Tội làm giả con dấu, tài liệu và Tội sử dụng con dấu, tài liệu giả đều được quy định tại cùng một điều luật. Cụ thể, theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ kh&aacut...
LÀM GIẢ CON DẤU, TÀI LIỆU CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC
Việc làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức rất tinh vi và khó phát hiện. Các giấy tờ thường được làm giả như: chứng chỉ, văn bằng, giấy khám sức khỏe, giấy tờ xe, … Theo đó, hành vi làm giả t&a...
TỘI MUA BÁN HÓA ĐƠN TRÁI PHÉP
1. Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp là gì? Điều 23 Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ quy định về việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, cụ thể như sau: "Điều 23. S...