Một số vấn đề nghiệp vụ từ các phiên tòa tháng 8/2020 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC
I. Thông tin từ kết quả giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.
1. Hợp đồng giả tạo về giá.
1.1. Nội dung vụ án
Ngày 16/12/2014, ông H ký hợp đồng chuyển nhượng cho vợ chồng ông N bà L diện tích đất 1.027 m2, ghi giá chuyển nhượng là 200 triệu đồng. Hợp đồng đã được công chứng cùng ngày 16/12/2014. Ngày 27/12/2014, ông N và bà L đã được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đã trực tiếp sử dụng đất.
Ngày 22/01/2015, ông H khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng ký ngày 16/12/2014 và yêu cầu trả lại đất vì ông N và bà L không trả tiền chuyển nhượng đất theo thỏa thuận là 3.200.000.000 đồng. Vợ chồng ông N bà L không đồng ý hủy hợp đồng và khai rằng đã trả đủ tiền theo hợp đồng là 200 triệu đồng. Trong quá trình giải quyết vụ án, ông N và bà L lại có lời khai giá thực tế theo thỏa thuận là 2.200.000.000 đồng và đã trả đủ. Kết quả định giá của Hội đồng định giá thì giá thị trường của đất tranh chấp là 3.019.000.000 đồng.
1.2. Kết quả xét xử sơ thẩm, phúc thẩm
Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được công chứng ngày 16/12/2014; buộc ông N và bà L tháo dỡ các công trình trên đất, trả lại đất trống cho ông H. Quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm trên cơ sở nhận định rằng “giá chuyển nhượng trong hợp đồng là giả tạo”, bị đơn đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ làm cho giao dịch “không còn khả năng thực hiện”. Bị đơn chỉ kháng cáo yêu cầu hủy án sơ thẩm vì vi phạm thủ tục tố tụng. Tòa án cấp phúc thẩm chỉ nhận xét về tố tụng và quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm.
1.3. Kết quả giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao: Bị đơn có đơn đề nghị giám đốc thẩm. Chánh án TAND cấp cao đã có kháng nghị giám đốc thẩm. Quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao đã hủy Bản án phúc thẩm và Bản án sơ thẩm, giao xét xử sơ thẩm lại với nhận xét: Hợp đồng ký ngày 16/12/2014 đã được công chứng và đăng ký đứng tên cho ông N, bà L nên đã có hiệu lực theo quy định tại Điều 692 BLDS năm 2005. Ông N và bà L đã thừa nhận trong đơn đề nghị giám đốc thẩm giá thực chất là 3.200.000.000 đồng nên phải thực hiện theo giá này.
1.4. Kết quả giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
Ông H có đơn đề nghị giám đốc thẩm. Chánh án TAND tối cao đã có kháng nghị giám đốc thẩm. Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã hủy Quyết định giám đốc thẩm hủy các bản án phúc thẩm và sơ thẩm, giao cho TAND huyện xét xử sơ thẩm lại.
1.5. Vấn đề nghiệp vụ cần lưu ý đã được nêu ra
1.5.1. Sai lầm của các cấp xét xử
– Về sai lầm của quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao: Quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao đã giao xét xử sơ thẩm lại, nay tại sao lại phải hủy quyết định này cũng chỉ để xét xử sơ thẩm lại? Đó là do nhận định, định hướng xét xử lại của Quyết định giám đốc thẩm số của TAND cấp cao không chính xác. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có hiệu lực từ thời điểm đăng ký là khi không có vi phạm nào khác theo quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch. Giao dịch này xác lập trong thời kỳ thi hành BLDS năm 2005 nên điều kiện có hiệu lực phải tuân thủ đầy đủ theo quy định tại Điều 122 BLDS năm 2005. Cả hai bên ký kết hợp đồng đều thừa nhận giá 200 triệu ghi trong hợp đồng không phải là giá thật thì không thể công nhận hợp đồng này có hiệu lực. Công nhận Hợp đồng ngày 16/12/2014 có hiệu lực nhưng lại buộc phải thi hành trả số tiền 3.200.000.000 đồng là nghĩa vụ không hề có trong một điều khoản nào của hợp đồng này cũng là một nhận định không có cơ sở pháp lý của Quyết định giám đốc thẩm này.
– Về sai lầm của Bản án sơ thẩm: Bản án sơ thẩm không có nhận định nào là Hợp đồng ngày 16/12/2014 có hiệu lực nhưng lại áp dụng một chế tài quy định cho giải quyết tranh chấp hợp đồng có hiệu lực là “hủy hợp đồng”. Bản án sơ thẩm nhận định giá chuyển nhượng 200.000.000 đồng ghi trong hợp đồng “là giả tạo” nhưng lại không xác định hợp đồng này là giả tạo. Bản án sơ thẩm hủy hợp đồng với lý do bị đơn đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nên giao dịch “không còn khả năng thực hiện”. Nhận định này là không chính xác vì khi chưa xác định được nghĩa vụ phải trả bao nhiêu tiền thì sao đã xác định được là vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ; nếu thực hiện theo hợp đồng thì nguyên đơn không muốn thực hiện (vì giá quá thấp so với giá thực) chứ không phải là không thể thực hiện được.
1.5.2. Quan điểm của Hội đồng Thẩm phán:
– Quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp trong trường hợp hợp đồng có hiệu lực là khác với trường hợp hợp đồng vô hiệu. Do vậy, trước tiên phải xác định là hợp đồng có hiệu lực hay hợp đồng vô hiệu. Cũng là hợp đồng vô hiệu, phải xác định rõ loại hợp đồng vô hiệu vì pháp luật có những quy định riêng đối với một số loại hợp đồng vô hiệu như thời hiệu yêu cầu tuyên bố vô hiệu, giải quyết hậu quả tuyên bố vô hiệu…
Trong vụ án này, Hội đồng Thẩm phán đã thống nhất với nhận định trong Kháng nghị của Chánh án TAND tối cao là: “Có cơ sở xác định giá ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nêu trên là giả tạo nhằm mục đích trốn thuế”. “Theo quy định tại khoản 3 Điều 402 Bộ luật Dân sự năm 2005, giá chuyển nhượng là một trong những điều khoản chủ yếu của hợp đồng. Do đó, trong vụ việc này, các bên đã giả tạo về giá trong văn bản hợp đồng và không thống nhất về giá trong thực tế nên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nêu trên vô hiệu theo quy định tại Điều 127, 129, và Điều 410 Bộ luật Dân sự năm 2005”.
Như vậy, Hội đồng Thẩm phán đã xác định trường hợp của vụ án này là Hợp đồng giả tạo (theo quy định tại Điều 129 BLDS năm 2005). Hội đồng Thẩm phán cũng thống nhất với nhận định của Kháng nghị là: “khi giải quyết lại vụ án, nếu không có chứng cứ nào khác, Tòa án cần tuyên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 16/12/2014…vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu (nếu các bên có yêu cầu)”.
1.5.3. Về một số tình huống khi xét xử lại:
– Có vấn đề đặt ra là khi xét xử sơ thẩm lại, nếu vợ chồng ông N bà L vẫn thừa nhận giá đã thỏa thuận là 3.200.000.000 đồng thì hợp đồng ký ngày 16/12/2014 có còn vô hiệu do giả tạo không? Nếu vẫn vô hiệu thì giải quyết hậu quả vô hiệu thế nào?
Dù phía bị đơn có thừa nhận phù hợp với lời khai của nguyên đơn về giá thỏa thuận thực tế thì vẫn không làm thay đổi sự kiện pháp lý khách quan là các bên đã ký kết một hợp đồng giả tạo có giá 200 triệu đồng. Do đó, vẫn phải tuyên bố hợp đồng ký ngày 16/12/2014 vô hiệu do giả tạo. Tuy nhiên, bên cạnh hợp đồng giả tạo lại xác định được có một hợp đồng bị che dấu là hợp đồng chuyển nhượng với giá 3.200.000.000 đồng. Vì vậy, việc giải quyết hậu quả tuyên bố vô hiệu do giả tạo phải bao gồm cả việc xem xét về hợp đồng bị che dấu. Hợp đồng bị che dấu là hợp đồng có vi phạm ít nhất là vi phạm về hình thức của hợp đồng. Nếu không phát hiện những vi phạm khác thì hợp đồng bị che dấu cũng phải xử lý theo quy định của pháp luật về hợp đồng vi phạm về hình thức. Theo quy định của Điều 134 BLDS năm 2005 về hợp đồng vô hiệu về hình thức thì Tòa án phải ấn định một thời hạn để các bên hoàn thiện về hình thức của hợp đồng; hết thời hạn này hợp đồng vẫn không được hoàn thiện về hình thức thì sẽ bị tuyên bố vô hiệu. Cần lưu ý về việc xác định lỗi của các bên khi không hoàn thiện hình thức của hợp đồng. Bên chuyển nhượng không hoàn thiện hình thức hợp đồng do có căn cứ là giá thị trường đã thay đổi lớn thì cũng không bị coi là có lỗi.
– Cần lưu ý vụ án này là trường hợp giao dịch thuộc thời kỳ thi hành BLDS 2005. Nếu là giao dịch thuộc thời kỳ thi hành của BLDS năm 2015 thì hợp đồng vô hiệu về hình thức nhưng đã thi hành được 2/3 nghĩa vụ (như đã trả được 2/3 tiền) thì được công nhận hợp đồng có hiệu lực mà không cần phải hoàn thiện về hình thức của hợp đồng (Điều 129 BLDS năm 2015).
– Trong trường hợp không xác định được hợp đồng bị che dấu (như trường hợp phía bị đơn lại thay đổi lời khai cho rằng giá thỏa thuận không phải là 3.200.000.000 đồng) thì chỉ có thể giải quyết hậu quả tuyên bố vô hiệu theo quy định chung tại Điều 137 BLDS năm 2005 là: “các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận…Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường”.
2. Về sai lầm do nhận thức thủ tục phá sản là một loại vụ việc dân sự nên đã áp dụng tố tụng dân sự cho vụ việc phá sản.
2.1. Về nội dung vụ việc
Ông T là chủ nợ không có bảo đảm của Công ty K có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty K.
2.2. Kết quả giải quyết thủ tục phá sản: Ngày 13/9/2017, TAND tỉnh ban hành Quyết định mở thủ tục phá sản số đối với Công ty K và xác định Công ty N là người tham gia thủ tục phá sản.
Trong quá trình giải quyết việc phá sản, Công ty N có đơn yêu cầu tuyên bố các giao dịch chuyển nhượng cổ phần và chuyển nhượng tài sản trên đất tại số X, đường T của Công ty K vô hiệu (Công ty K đang có nghĩa vụ trả nợ cho Công ty N theo Quyết định số YY/2015/QĐST – KDTM của TAND thành phố TH). Ngày 30/01/2018, TAND tỉnh ban hành Quyết định không chấp nhận yêu cầu của Công ty N. Công ty N có đơn yêu cầu giám đốc thẩm gửi TAND cấp cao, TAND cấp cao đã chuyển đơn này cho Chánh án TAND tỉnh giải quyết. Chánh án TAND tỉnh đã có Công văn trả lời cho cho Công ty N là không có căn cứ giải quyết lại và thông báo là TAND tỉnh đã ra Quyết định số ZZ/2018/QĐ-ĐCTTPS ngày 28/2/2018 đình chỉ giải quyết thủ tục phá sản do ông T đã rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
2.3. Kết quả giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao:
Ngày 26/6/2018, Chánh án TAND cấp cao đã có kháng nghị giám đốc thẩm đối với Quyết định số 01/2018/QĐ-TA của TAND tỉnh. Tại Quyết định giám đốc thẩm, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao đã hủy Quyết định số 01/2018/QĐ-TA của TAND tỉnh; tuyên bố Công ty N có quyền khởi kiện lại vụ án khi có đủ điều kiện.
2.4. Kết quả giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao:
Quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao đã bị Viện trưởng VKSNDTC kháng nghị giám đốc thẩm. Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã chấp nhận kháng nghị, hủy quyết định giám đốc thẩm số nêu trên và đình chỉ giải quyết vụ án.
2.5. Sai lầm của cấp giám đốc thẩm của TAND cấp cao
– Quyết định giám đốc thẩm số của TAND cấp cao bị hủy do sai lầm đã áp dụng tố tụng dân sự thay cho tố tụng phá sản. Vụ việc phá sản không phải là vụ việc dân sự. Phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Tố tụng dân sự không bao gồm vụ việc phá sản (Điều 1 BLTTDS). Vụ việc phá sản được điều chỉnh theo Luật phá sản (trường hợp cụ thể này là Luật Phá sản năm 2014), bao gồm cả các quy định về luật nội dung và quy định về tố tụng.
Đối tượng bị Chánh án TAND cấp cao kháng nghị giám đốc thẩm là Quyết định số 01/2018/QĐ-TA. Đây là quyết định của TAND tỉnh không chấp nhận yêu cầu của Công ty N về tuyên bố giao dịch vô hiệu. Giải trình của Hội đồng xét xử (TAND cấp cao) nêu rằng: “Không có điều nào của Luật Phá sản quy định quyết định không chấp nhận yêu cầu của người tham gia thủ tục phá sản không bị kháng nghị; còn chương XX Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (từ Điều 325 đến Điều 350) không có điều luật nào quy định không được kháng nghị quyết định tương tự nêu trên”. Giải trình này thể hiện sự nhầm lẫn, coi phá sản là vụ việc dân sự. Bộ luật Tố tụng dân sự không quy định không được kháng nghị vụ án hành chính thì không thể hiểu là được áp dụng tố tụng dân sự để kháng nghị vụ án hành chính.
– Thực tế, vụ việc phá sản thường tập trung nhiều quan hệ tranh chấp, có nhiều chủ thể tham gia nên được quy định thủ tục nhanh hơn, đặc biệt hơn thủ tục tố tụng dân sự. Điều 60 Luật Phá sản quy định về “Tuyên bố giao dịch vô hiệu”, trong đó quy định về các quyết định mà Tòa án ban hành bao gồm cả quyết định tuyên bố vô hiệu và quyết định không chấp nhận yêu cầu tuyên bố vô hiệu (khoản 1); thẩm quyền xem xét lại các quyết định này (khoản 4); không có quy định một cấp nào khác xem xét lại quyết định của Chánh án Tòa án đã ra quyết định tuyên bố vô hiệu thì phải hiểu Quyết định của Chánh án TAND tỉnh không bị xem xét lại. Luật Phá sản cũng quy định về thủ tục đặc biệt xem xét lại Quyết định tuyên bố phá sản (Điều 113) nhưng có nội dung rất khác với thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm vụ việc dân sự.
– Trong giải trình của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm của TAND cấp cao cũng có nội dung so sánh với việc giải quyết yêu cầu hủy phán quyết của trọng tài thương mại. Hủy phán quyết của Trọng tài thương mại là một loại việc dân sự, cụ thể là một yêu cầu về kinh doanh, thương mại đã được quy định tại Điều 31 Bộ luật Tố tụng dân sự. Do đó, yêu cầu này được giải quyết theo quy định tại Chương XXXII của BLTTDS; “trường hợp Phần này không quy định thì áp dụng những quy định khác của Bộ luật này để giải quyết việc dân sự” (Điều 361 BLTTDS). Còn vụ việc phá sản thì không phải là vụ việc dân sự nên không thể áp dụng quy định của Điều 361 nêu trên.
– Bộ luật Tố tụng dân sự cũng đã quy định một trong những trường hợp phải đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là “Đã có quyết định của Tòa án mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã là một bên đương sự trong vụ án mà việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đó” (điểm d khoản 1 Điều 217 BLTTDS). Đây là trường hợp đóng lại thủ tục dân sự để giải quyết theo thủ tục phá sản chứ không phải là đóng lại không giải quyết nữa như các trường hợp đình chỉ khác.
2.6. Về quy định giải quyết tranh chấp tài sản tại Chương X Luật Phá sản
– Điểm b khoản 4 Điều 60 Luật Phá sản có quy định “Hủy bỏ quyết định tuyên bố giao dịch vô hiệu. Trường hợp có tranh chấp thì được giải quyết theo quy định tại Chương X của luật này”. Vậy có phải cứ có tranh chấp là giải quyết theo quy định tại Chương X hay không? Những tranh chấp theo quy định tại Chương X là phải được tách ra giải quyết riêng theo tố tụng dân sự.
Nghiên cứu các quy định cụ thể tại Chương X, kết hợp xem xét quy định tại Điều 217 về đình chỉ giải quyết vụ án dân sự nêu ở trên thì thấy rằng những tranh chấp quy định giải quyết theo Chương X chỉ là những tranh chấp ai là chủ tài sản (chủ sở hữu tài sản hoặc chủ sử dụng đối với quyền sử dụng đất). Hội đồng Thẩm phán thống nhất với nhận định của Kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC rằng Chánh án TAND tỉnh đã giải quyết đúng cũng có nghĩa đã xác định yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu không thuộc loại tranh chấp tài sản quy định tại Chương X Luật Phá sản.
2.7. Quyết định số 01 tháng 01 năm 2018 có tồn tại độc lập?
Giải trình của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm của TAND cấp cao có nêu: “Quyết định số 01/2018/QĐ-TA ngày 30/01/2018 là quyết định tồn tại độc lập có hiệu lực. Nội dung Quyết định 01/2018 không chấp nhận yêu cầu tuyên bố các giao dịch dân sự của Công ty K…vô hiệu là gián tiếp công nhận các giao dịch chuyển nhượng tài sản của Công ty… là hợp pháp trong khi lại không dùng số tiền đã giao dịch chuyển nhượng tài sản để thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quyết định của Tòa án, gây thiệt hại cho Công ty N”.
Đúng là có vấn đề đặt ra là Quyết định số 01 tháng 01 năm 2018 có tồn tại sau khi đã có Quyết định số 01 tháng 02 năm 2018 của TAND tỉnh đình chỉ giải quyết thủ tục phá sản. Nếu Quyết định số 01 tháng 01 năm 2018 tồn tại độc lập thì các bên liên quan đến các giao dịch mà quyết định này đã đề cập không có quyền khởi kiện vụ án dân sự.
Hội đồng Thẩm phán đã thống nhất với nhận định tại Kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC là: “Vụ việc giải quyết phá sản đối với Công ty K… đã được TAND tỉnh đình chỉ giải quyết tại quyết định số 01 tháng 02 năm 2018 do người yêu cầu mở thủ tục phá sản là ông T có đơn rút yêu cầu mở thủ tục phá sản, dẫn đến Quyết định số 01 tháng 01 năm 2018 của TAND tỉnh không còn hiệu lực”.
Như vậy, Quyết định số 01 tháng 01 năm 2018 chỉ là một quyết định trong quá trình giải quyết thủ tục phá sản, không có giá trị độc lập nên khi việc giải quyết thủ tục phá sản bị đình chỉ theo Quyết định số 01 tháng 02 năm 2018 thì Quyết định số 01 tháng 01 năm 2018 cũng đương nhiên bị hủy bỏ.
3. Quyết định hành chính buộc chấm dứt hoạt động của cơ sở sản xuất khi chưa đến thời hạn cuối cùng theo quy định chung, có sai không?
3.1. Về nội dung vụ án: Ông Đ khởi kiện hành chính đối với Chủ tịch UBND huyện T, yêu cầu hủy Quyết định số 4434/QĐ-UBND ngày 20/12/2016 của UBND huyện T. Quyết định này có nội dung áp dụng các biện pháp hành chính để chấm dứt hoạt động đối với 3 lò gạch của ông Đ. Các lò gạch này là lò gạch thủ công có xử lý bằng nước vôi và lò liên tục kiểu đứng.
3.2. Kết quả xét xử sơ thẩm, phúc thẩm:
Tòa án cấp sơ thẩm đã không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đ. Ông Đ kháng cáo. Tòa án cấp phúc thẩm đã sửa án sơ thẩm, hủy Quyết định số 4434/QĐ-UBND của UBND huyện T.
3.3. Kết quả giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao
UBND huyện T có yêu cầu giám đốc thẩm. Chánh án TANDTC đã có kháng nghị giám đốc thẩm. Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã hủy Bản án hành chính phúc thẩm, giữ nguyên Bản án hành chính sơ thẩm.
3.4. Vấn đề nghiệp vụ cần lưu ý đã được nêu ra là:
– Bản án phúc thẩm hủy Quyết định 4434/QĐ-UBND vì cho rằng Quyết định số 4434 thực hiện theo Quyết định 661/QĐ-UBND ngày 15/3/2011 của UBND tỉnh nhưng Quyết định 661 lại không phù hợp với Quyết định 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Nhận định này của Bản án phúc thẩm vừa không hợp lý vừa không đúng quy định của tố tụng hành chính. Quyết định 661 là văn bản quy phạm pháp luật chứ không phải quyết định hành chính cá biệt, không phải đối tượng của vụ án hành chính. Trong trường hợp thấy văn bản 661 trái với văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên thì Tòa án phải kiến nghị theo quy định tại Chương VIII (các điều từ 111 đến 114) Luật Tố tụng hành chính. Thực tế, Quyết định 661 có trước Quyết định 1469 nên những việc thực hiện theo Quyết định 661 trước khi có Quyết định 1469 không thể coi là trái với Quyết định 1469. Lộ trình chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch đất sét nung, thay thế lò thủ công đã được thực hiện trước Quyết định 1469 vẫn có hiệu lực, trong đó có việc ấn định thời hạn sản xuất bằng lò thủ công chỉ đến hết 31/12/2015. Vì vậy, qua ngày 31/12/2015, ông Đ không thực hiện ngừng sản xuất, bị áp dụng biện pháp xử lý theo Quyết định 4434 là vẫn đảm bảo đúng thủ tục theo quy định.
Quyết định 1469/QĐ-TTg quy định thời hạn chấm dứt hoạt động của các loại lò liên tục kiểu đứng “chậm nhất vào trước năm 2018” chứ không phải đến năm 2018 mới thực hiện. Do đó, UBND có quyết định những trường hợp đã đủ điều kiện buộc chấm dứt hoạt động trước năm 2018 là không vi phạm Quyết định 1469.
4. Việc soạn thảo hợp đồng có nhầm lẫn, ghi thiếu giá trị của một hạng mục công việc thì có được thanh toán không?
4.1. Nội dung vụ án: Ngày 31/01/2016, chủ đầu tư là Công ty A ký Hợp đồng 01 với nhà thầu chính là Công ty B với nội dung xây dựng công trình Nhà máy dệt may gồm 3 phần: Xây dựng, điện nước, kết cấu thép; với tổng giá trị là 52 tỷ đồng. Kèm theo Hợp đồng 01 là Phụ lục hợp đồng 01, quy định chi tiết giá trúng thầu của từng hạng mục công trình.
Cùng ngày 31/01/2016, nhà thầu chính là Công ty B ký Hợp đồng 02 với Công ty C với nội dung giao cho Công ty C thi công phần xây dựng và điện nước có tổng giá trị là 32 tỷ đồng. Kèm theo Hợp đồng 02 là Phụ lục hợp đồng số 02, quy định cụ thể giá giao thầu của từng hạng mục.
Các hợp đồng và phụ lục hợp đồng nêu trên đều thể hiện phần xây dựng có 11 hạng mục, trong đó có hạng mục “Nhà làm việc” có giá trị (sau thuế) là 2.767.301.365 đồng nhưng khi cộng tổng giá trị 11 hạng mục đều cộng thiếu giá trị của “Nhà làm việc”.
Công trình đã hoàn thành, bàn giao cho Công ty A. Công ty C không được thanh toán giá trị xây dựng “nhà làm việc” nên khởi kiện đòi Công ty B thanh toán số tiền 2.767.301.365 đ và tiền lãi do chậm thanh toán. Công ty B không đồng ý thanh toán giá trị “nhà làm việc” vì đã thanh toán theo giá đã ký trọn gói là 32 tỷ đồng. Công ty A cũng cho rằng Công ty B không phải thanh toán giá trị nhà làm việc cho Công ty C vì Công ty A cũng chỉ thanh toán trọn gói cho Công ty B (52 tỷ đồng), giá trị hạng mục “nhà làm việc” là 0 đồng.
4.2. Kết quả sơ thẩm, phúc thẩm: Tòa án cấp sơ thẩm đã buộc Công ty B thanh toán cho Công ty C 3.196.571.816 đồng (giá trị hạng mục nhà làm việc và lãi chậm trả). Công ty B kháng cáo. Tòa án cấp phúc thẩm đã xử y án sơ thẩm.
4.3. Kết quả giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao
Công ty B có yêu cầu giám đốc thẩm. Chánh án TAND tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm. Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã hủy Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm để xét xử sơ thẩm lại.
4.4. Vấn đề nghiệp vụ cần lưu ý đã được nêu ra là:
– Có vấn đề phải giải thích hợp đồng để xác định ý chí của các bên về giá trị thi công hạng mục “nhà làm việc”. Thực tế trong các hợp đồng và phụ lục hợp đồng đều đã ghi giá trị thi công hạng mục nhà làm việc là 2.767.301.365 đồng chứ không phải là 0 đồng. Ý chí của các bên là các hạng mục thi công đều được trả tiền. Vì vậy, giá trị nhà làm việc không được cộng vào tổng giá trị thanh toán là do nhầm lẫn, không phải ý chí thực của các bên. Trong trường hợp này phải buộc các bên thanh toán theo đúng ý chí thực của các bên khi giao kết hợp đồng.
– Theo hợp đồng thì trách nhiệm trả tiền cho Công ty C là của Công ty B. Công ty B không có yêu cầu Công ty A trả tiền thì nếu buộc Công ty A trả tiền cho Công ty B có vi phạm về phạm vi xét xử (quy định tại Điều 5 BLTTDS) hay không? Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm đã xử buộc Công ty B trả tiền cho Công ty C nhưng vẫn bị hủy để xét xử sơ thẩm lại là từ nhận định chủ thể hưởng lợi hạng mục nhà làm việc là Công ty A nên Công ty A phải thanh toán trực tiếp cho Công ty C. Như vậy, trong trường hợp có thầu phụ, hợp đồng không rõ ràng thì cần đưa người hưởng lợi vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và buộc người hưởng lợi trực tiếp thanh toán cho người đã thi công.
5. Có cần phân biệt đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền của người bị hại?
5.1. Nội dung vụ án: Bị cáo H đã có hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, làm chết chị T. Vụ án có bị đơn dân sự là Công ty Đ (chủ phương tiện và quản lý lái xe).
5.2. Kết quả sơ thẩm, phúc thẩm: Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đều quyết định về trách nhiệm dân sự là:
“Buộc Công ty Đ phải bồi thường thiệt hại cho gia đình anh M các khoản tiền sau:
– Chi phí mai táng 35.000.000 đồng, tổn thất tinh thần 69.000.000 đồng, chi phí đi lại 5.000.000 đồng, tổng cộng 109.000.000 đồng.
– Tiền cấp dưỡng nuôi cháu N, sinh ngày… và cháu K, sinh ngày… mỗi cháu một tháng là 600.000 đồng cho đến khi 18 tuổi.
– Tiền cấp dưỡng nuôi ông Đ và bà L mỗi người một tháng là 460.000 đồng cho đến khi qua đời.”.
5.3. Kết quả giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao
Vụ án đã bị Chánh án TAND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm. Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã hủy Bản án hình sự phúc thẩm và Bản án hình sự sơ thẩm về phần “buộc Công ty Đ bồi thường thiệt hại cho gia đình anh M” đề giao xét xử sơ thẩm lại.
5.4. Vấn đề nghiệp vụ cần lưu ý đã được nêu ra là:
Trong quá trình tiến hành tố tụng, những người đại diện theo pháp luật của người bị hại T đã được xác định gồm có anh N (chồng chị T), ông Đ (cha chị T), bà L (mẹ chị T). Lẽ ra, Tòa án phải tuyên buộc Công ty Đ bồi thường thiệt hại cho những người đại diện theo pháp luật của bị hại T nhưng Tòa án lại tuyên bồi thường thiệt hại cho gia đình anh M là không đúng vì anh M chỉ là người đại diện theo ủy quyền.
Khoản 5 Điều 51 BLTTHS năm 2003 đã quy định: “Trong trường hợp người bị hại chết thì người đại diện hợp pháp của họ có những quyền quy định tại Điều này”. Quy định này thể hiện trường hợp bị hại chết là trường hợp có quy định riêng về đại diện. Người đã chết thì không thể ủy quyền nên “đại diện hợp pháp” là đại diện theo pháp luật. Quy định người đại diện theo pháp luật có các quyền của bị hại thì đương nhiên có quyền nhận bồi thường. Người đại diện theo pháp luật ngoài những trường hợp quy định rõ tại BLDS thì thường là những người thừa kế của người bị hại. Cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định người đại diện theo pháp luật của người bị hại đã chết.
Trường hợp của vụ án này là những người đại diện theo pháp luật của bị hại lại ủy quyền cho anh M. Anh M không phải là người đại diện theo pháp luật của bị hại (anh M là anh chồng chị T) nên anh M chỉ được thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng chứ không có quyền được nhận bồi thường thay bị hại.
II. Thông tin từ kết quả nghiệp vụ xét xử tại TAND địa phương
1. Một số vấn đề về phần thủ tục tố tụng
1.1. Thụ lý, giải quyết vụ án khi đã hết thời hiệu khởi kiện
1.1.1. Nội dung vụ án: Ông A là công nhân của Công ty B. Tháng 2 năm 2006, ông A làm đơn xin chuyển công tác và được lãnh đạo Công ty B chấp nhận. Cùng thời điểm xin chuyển công tác, ông A đề nghị Công ty lập thủ tục rút sổ bảo hiểm, Công ty B yêu càu ông liên hệ Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm xã hội trả lời là ông không có tên trong danh sách cán bộ, công nhân Công ty B tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Năm 2006, ông A khiếu nại và được lãnh đạo Công ty B chấp nhận thời gian công tác của ông từ tháng 2 năm 1992 đến tháng 2 năm 2006, nhưng chỉ xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội của ông A là 6 năm 10 tháng. Các văn bản khiếu nại của ông A và giải quyết khiếu nại của Cong ty B liên quan đến việc không đóng bảo hiểm xã hội cho ông A thể hiện thời gian ban hành trong năm 2006.
Tháng 10 năm 2012 ông A khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động về bảo hiểm xã hội đối với Công ty B. Tháng 5 năm 2016, Công ty B có đơn phản tố và có yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện.
1.1.2. Vấn đề nghiệp vụ cần quan tâm: Tòa án cấp có thẩm quyền kết luận việc khởi kiện của ông A là thuộc trường hợp hết thời hiệu khởi kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 167 Bộ luật Lao động năm 1994, sửa đổi, bổ sung năm 2002, 2006, 2007 nên đã hủy các bản án lao động sơ thẩm, phúc thẩm và đình chỉ việc giải quyết vụ án.
1.2. Sai sót do giải quyết, xét xử vượt quá yêu cầu khởi kiện
1.2.1. Nội dung vụ án: Bà B khởi kiện yêu cầu chia di sản thửa kế của cha, mẹ để lại là thửa đất số 325, tờ bản đồ 7, diện tích 236m2, tại thành phố H. Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập.
1.2.2. Vấn đề nghiệp vụ cần quan tâm:
Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định các vấn đề liên quan đến thửa đất số 325 nói trên nhưng đồng thời chia thừa kế đối với thửa đất 326, tờ bản đồ số 7, diện tích 112m2 – diện tích đất mà các bên không có tranh chấp – là vượt quá yêu cầu khởi kiện, vi phạm Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Do vậy, Tòa án cấp có thẩm quyền đã chấp nhận kháng cáo, sửa bản án sơ thẩm đối với nội dung vượt quá yêu cầu khởi kiện này.
2. Một số vấn đề nghiệp vụ về phần nội dung
2.1. Tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, hủy quyết định cá biệt của cơ quan có thẩm quyền chưa có căn cứ.
2.1.1. Nội dung vụ án:
Ông D và bà H cưới nhau năm 1997, có 02 con sinh năm 1998 và 2000, năm 2005 thì đăng ký kết hôn. Ông D và bà H đều cho rằng từ nguồn tiền tiết kiệm của hai người, vợ chồng ông nhận chuyển nhượng nhà và đất tại xã C, thành phố H của bà N. Do ông D đi học xa nên bà H làm thủ tục và được Ủy ban nhân dân thị xã H cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất trên vào năm 2003. Gia đình ông D, bà H sinh sống tại diện tích đất này từ khi chuyển nhượng, và vợ chồng cùng sử dụng tài sản này để thế chấp vay tiền ở ngân hàng, hồ sơ thế chấp xác định đất thuộc sở hữu chung vợ chồng. Năm 2009, đất bị nhà nước thu hồi, vợ chồng ông D, bà H nhận tiền đền bù, nhận đất tái định cư và mua thêm 02 lô đất tái định cư liền kề. Tuy nhiên, sau này ông D mới biết vào năm 2008 bà H tự đứng tên chuyển nhượng đất và nhà trên cho bà L và vợ chồng bà L ký hợp đồng chuyển nhượng 02 lô đất mà vợ chồng ông nhận đền bù, tái định cư cho vợ chồng ông T. Ông D khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà H với bà L và hủy 03 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa vợ chồng bà L với vợ chồng ông T và yêu cầu hủy 03 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Ủy ban nhân dân thành phố H cho vợ chồng ông T đối với các diện tích đất trên.
2.1.2. Vấn đề nghiệp vụ cần quan tâm: cấp sơ thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn với các lý do sau:
– Lý do thứ nhất: Tài sản (quyền sử dụng đất và nhà ở) có từ năm 2003, là đối tượng của các hợp đồng đang tranh chấp do bà H đứng tên đăng ký quyền sở hữu, tài sản này phát sinh sau thời điểm ông L và bà H cưới nhau (1997) nhưng trước thời điểm ông L và bà H được công nhận là vợ chồng (2005). Ông L cho rằng nguồn tiền để mua tài sản trên có từ tiền tiết kiệm của ông L và tiền mượn của em gái ông L, nhưng ông L không có chứng cứ chứng minh. Hơn nữa, trong 11 năm (từ năm 2003 đến năm 2014), bà H chuyển nhượng tài sản tranh chấp cho bà L1, đất bị nhà nước thu hồi và cấp cho bà L1 02 lô tái định cư, năm 2014 vợ chồng bà L1 chuyển nhượng 02 lô đất tái định cư cho vợ chồng ông T nhưng vợ chồng ông L, bà H không có ý kiến gì để xác định tài sản tranh chấp là tài sản chung của ông L, bà H. Do vậy, cấp sơ thẩm xác định tài sản trên thuộc sở hữu chung của ông L và bà H là thiếu căn cứ;
– Lý do thứ hai, các hợp đồng chuyển nhượng giữa bà H với bà L1 và giữa vợ chồng bà L1 với vợ chồng ông T đã được công chứng hợp pháp, được đăng ký đúng quy định và đã được Ủy ban nhân dân có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản trên đất cho người nhận chuyển nhượng. Trong đó, vợ chồng ông T là người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất ngay tình. Do vậy, cấp sơ thẩm hủy các hợp đồng chuyển nhượng, hủy các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho người nhận chuyển nhượng là chưa có căn cứ.
2.2. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là chưa đánh giá đúng thực tiễn sự việc và không phù hợp với chứng cứ có trong hồ sơ vụ án
2.2.1. Vụ án thứ nhất: ông T khởi kiện, yêu cầu bà H, bà N, ông S phải di dời cây trồng, trả lại diện tích đất rừng đã lấn chiếm khoảng 15.000m2, đất đã được Ủy ban nhân dân huyện T cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông T. Trong quá trình giải quyết vụ án, Ủy ban nhân dân huyện T có văn bản đề nghị Tòa án hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông T.
Vấn đề nghiệp vụ cần quan tâm: Cấp sơ thẩm và phúc thẩm xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T, buộc các ông bà H, N, S phải trả đất cho ông T. Cấp giám đốc thẩm xử hủy án sơ thẩm, phúc thẩm bởi các lý do sau:
– Lý do thứ nhất, về nguồn gốc đất: Diện tích đất tranh chấp nằm trong thửa 120, diện tích 65.171m2 đất rừng trồng sản xuất do ông T được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2006. Theo lời khai của các cá nhân nguyên là chủ nhiệm hợp tác xã, nguyên chủ tịch Ủy ban nhân dân xã TB…thì nguồn gốc thửa đất 120 là của Hợp tác xã quản lý, sau khi Hợp tác xã khai thác, bán cây trên đất thì đất bỏ hoang, Ủy ban nhân dân xã quản lý và giao cho ông T thì các hộ dân lên khai phá trồng hoa màu. Năm 2015, Ủy ban nhân dân huyện T có văn bản cho rằng đất tranh cháp do Ủy ban nhân dân xã TA quản lý.
– Lý do thứ hai, về quá trình sử dụng đất: lời khai của người tham gia tố tụng cho thấy có đủ cơ sở để xác định hộ các ông bà H, N, S đã sử dụng đất tranh chấp từ khi đất bỏ hoang từ năm 1997, 1998 – là trước thời điểm UBND xã cắm mốc, giao đất cho ông T.
– Lý do thứ ba, căn cứ khoản 3 Điều 122 Luật Đất đai năm 2003, khoản 2 Điều 12 Nghị định số 163/1999/NĐ – CP ngày 16/11/1999 của Chính phủ về giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thì việc Ủy ban nhân dân xã TA (cũ) đề nghị UBND huyện T giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông T là không đúng quy định của pháp luật. Ủy ban nhân dân huyện T đã báo cáo rõ là trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông T là trái pháp luật. Vì thế, việc Ủy ban nhân dân huyện T đề nghị Tòa án hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông T là có căn cứ.
Từ các vấn đề trên, việc Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm cho rằng ông T là người sử dụng đất thực tế, hồ sơ cấp đất cho ông T không có khiếu nại, tranh chấp, đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền quyền sử dụng đất cho ông T nên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T là không đúng. Cấp giám đốc thẩm hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.
2.2.2. Vụ án thứ hai: Diện tích đất tranh chấp nằm trong thửa đất mà vợ chồng ông Đ nhận chuyển nhượng của bà H. Năm 2017, vợ chồng ông T nhận chuyển nhượng của vợ chồng ông Đ 2.591m2 đất (có 300m2 đất ở), thuộc thửa đất số 230, tờ bản đồ số 8, tại thôn T, xã TA, thành phố K (cả vợ chồng ông T và vợ chồng ông D không phải là người địa phương). Khi vợ chồng ông T làm hàng rào thì vợ chồng ông B không cho xây dựng và cho rằng vợ chồng ông T xâm chiếm đất của vợ chồng ông B. Nguyên đơn – vợ chồng ông T khởi kiện, yêu cầu vợ chồng ông B trả lại diện tích đất lấn chiếm 167,2m2, thuộc thửa đất trên. Kết quả xem xét, thẩm định xác định tài sản trên đất (cây dương liễu) là của vợ chồng ông B. Bị đơn – vợ chồng ông B yêu cầu hủy giấy chứng nhận mà Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Q cấp cho bà H (người chuyển nhượng lại đất cho vợ chồng ông Đ).
Vấn đề nghiệp vụ cần quan tâm: Tòa án cấp sơ thẩm xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn trả đất cho nguyên đơn, công nhận diện tích đất tranh chấp của nguyên đơn; giao tài sản trên đất cho nguyên đơn, buộc nguyên đơn thối trả giá trị tài sản trên đất cho bị đơn là 2.850.000 đồng. Không chấp nhận yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bị đơn.
Cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, chấp nhận yêu cầu của bị đơn về hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Q cấp cho bà H. Bởi các lý do sau:
– Lý do thứ nhất, Tòa án cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho bà H (sau này chỉnh lý biến động sang vợ chồng nguyên đơn – ông T), trong khi đó, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này là không đúng với thực tế, vi phạm pháp luật. Cụ thể: thửa đất số 230 của vợ chồng ông T trên thực tế có tứ cận phía Tây giáp đất vợ chồng ông B nhưng năm 2010 khi cấp giấy chứng nhận cho bà H, trong biên bản xác định ranh giới, mốc giới do cơ quan chuyên môn lập không có chữ ký của hộ ông B – là hộ liền kề là vi phạm khoản 4 Điều 50 Luật Đất đai 2003 (về điều kiện không có tranh chấp); năm 2016, khi cấp có thẩm quyền tiến hành cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà H, Biên bản xác định ranh giới, mốc giới lại xác định phía Tây thửa đất giáp đất bà N và bà L là không đúng thực tế (vì phía Tây thửa đất là giáp đất vợ chồng ông B);
– Lý do thứ hai, cấp sơ thẩm không xem xét nguồn gốc đất, thực tế sử dụng đất đã có cây của bị đơn từ năm 1975 mà buộc bị đơn trả đất tranh chấp cho nguyên đơn và bác yêu cầu của nguyên đơn về hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là không có căn cứ, không đúng quy định của pháp luật. Cụ thể: bà H thừa nhận các cây dương liễu trên đất là của vợ chồng ông B; bà H chỉ chuyển nhượng diện tích đất có trên giấy tờ, còn trên thực tế thì bà H không biết diện tích đất của có ranh giới tới đâu. Những người làm chứng xác định vợ chồng ông B sử dụng đất tranh chấp từ trước đến nay, các cây dương liễu trên đất tranh chấp có nguồn gốc của cha mẹ vợ của ông B để lại, có trước khi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà H.
Theo đó, diện tích đất tranh chấp đang do vợ chồng ông B sử dụng, nhưng khi đo đạt, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cơ quan có thẩm quyền xác định diện tích đất này thuộc thửa đất của bà H là không đúng với hiện trạng sử dụng đất thực tế của các hộ từ trước đến nay.
(Theo congly.vn)
Xem những bài viết liên quan:
THÔNG BÁO RÚT KINH NGHIỆM CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN CÁC CẤP TRONG LĨNH VỰC DÂN SỰ, HNGĐ SỐ 43/TB-VC1-V2 NGÀY 21/8/2023.
THÔNG BÁO RÚT KINH NGHIỆM CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN CÁC CẤP TRONG LĨNH VỰC DÂN SỰ, HNGĐ SỐ 43/TB-VC1-V2 NGÀY 21/8/2023. 43/TB-VC1-V2 21/08/2023 VKSND cấp cao Xác định thiếu quan hệ pháp luật tranh ch...
THÔNG BÁO RÚT KINH NGHIỆM CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN CÁC CẤP TRONG LĨNH VỰC DÂN SỰ, HNGĐ SỐ 42/TB-VC1-V2 NGÀY 18/8/2023.
THÔNG BÁO RÚT KINH NGHIỆM CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN CÁC CẤP TRONG LĨNH VỰC DÂN SỰ, HNGĐ SỐ 42/TB-VC1-V2 NGÀY 18/8/2023. 42/TB-VC1-V2 18/08/2023 VKSND cấp cao Tính án phí không đún...
THÔNG BÁO RÚT KINH NGHIỆM CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN CÁC CẤP TRONG LĨNH VỰC DÂN SỰ, HNGĐ SỐ 41/TB-VC1-V2 NGÀY 18/8/2023.
THÔNG BÁO RÚT KINH NGHIỆM CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN CÁC CẤP TRONG LĨNH VỰC DÂN SỰ, HNGĐ SỐ 41/TB-VC1-V2 NGÀY 18/8/2023. 41/TB-VC1-V2 18/08/2023 VKSND cấp cao Vi phạm trong việc xác minh, thu thập chứng cứ...
THÔNG BÁO RÚT KINH NGHIỆM CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN CÁC CẤP TRONG LĨNH VỰC DÂN SỰ, HNGĐ SỐ 38/TB-VC1-V2 NGÀY 14/8/2023.
THÔNG BÁO RÚT KINH NGHIỆM CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN CÁC CẤP TRONG LĨNH VỰC DÂN SỰ, HNGĐ SỐ 38/TB-VC1-V2 NGÀY 14/8/2023. 41/TB-VC1-V2 18/08/2023 VKSND cấp cao Vi phạm trong việc xác minh, thu thập chứng cứ...