KỸ NGHỆ LỪA ĐẢO TRÊN THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN
Có lẽ, chưa bao giờ số vụ lừa đảo nhà đất lại xảy ra nhiều như hiện nay. Thị trường bất động sản những năm qua phát triển hơn, sôi động hơn nhưng cũng đầy rẫy những phức tạp với sự xuất hiện của hàng loạt các mánh lới, thủ đoạn lừa đảo tinh vi mà người mua nếu không cẩn thận sẽ dễ dàng bị sập bẫy. Nhiều người tiêu dùng đã phải điêu đứng khi trở thành nạn nhân của những cú lừa hàng triệu USD...Vụ việc xãy ra đã lâu nhưng vẫn còn mang tính thời sự bởi người dân vẫn cứ bị lừa, nên chia sẻ lại để bà con nâng cao cảnh giác.
Dưới đây là một số thủ đoạn lừa đảo trên thị trường bất động sản đã bị Cơ quan Công an phát hiện qua một số vụ án trong thời gian gần đây.
Làm vườn giả để bán đất
Ba mẹ con chị Như đã sống trong một căn hộ chung cư ở tầng 3 khu tập thể Nam Thành Công dễ đến gần chục năm. Khi hai đứa con còn nhỏ, 3 mẹ con sống ổn với một căn hộ diện tích 35m2. Nhưng các cháu mỗi ngày một lớn, cần không gian riêng để học tập thì căn hộ chung cư ấy trở nên quá chật hẹp. Muốn chuyển đổi một căn nhà khác, rộng hơn nhưng do đồng tiền trong túi có hạn, chị Như quyết định dời về ở vùng ven.
Hơn 2 tháng ròng lượn lờ ở các văn phòng nhà đất tự phát ở các khu vực Từ Liêm, Mỹ Đình, cuối cùng, chị cũng tìm được một ngôi nhà vừa túi tiền ở một xã cách khu đô thị mới Mỹ Đình khoảng 6km. Đó là một căn nhà cấp 4 rộng 40m2 cộng với mảnh vườn 20m2 nữa, giá cả lại khá mềm so với giá thị trường. Chị tính ba mẹ con ở tạm, vài ba năm nữa xây chồng thêm 2 tầng là rộng rãi, khang trang. Chỉ ngặt nỗi căn nhà hiện chưa có sổ đỏ.
Anh chàng cò đất, áo sơ mi trắng toát, thắt cà vạt đỏ chót nhưng chân đi dép tổ ong, quả quyết: "Cháu ở làng này từ bé, cháu đảm bảo chỗ này là đất nghiêm chỉnh, cô đừng lo". Rồi anh ta đưa chị Như đến gặp chủ đất. Đó là một bà cụ mặt mũi lành hiền, chất phác. Bà đưa chị ra xem nhà, xem vườn, tỏ vẻ thật thà, kể lể, cái nhà này được xây trên đất vườn của gia đình định cho thằng cháu nhưng nó chê nhỏ không lấy mà đòi tiền đi mua chỗ khác rộng hơn nên bà đành phải bán. Tiếc rẻ mấy cây bưởi nên bà chừa lại khoảnh vườn 20m2.
Chị Như ngắm khoảnh vườn trước nhà với mấy cây bưởi, cây cam xanh tốt và mường tượng ra khung cảnh sống bình yên với thiên nhiên thơ mộng của mấy mẹ con. Ít ngày sau, chị quyết định bán căn hộ tập thể rồi vay của gia đình, bạn bè thêm ít nữa cho đủ số tiền mua căn nhà có vườn cây nọ. Mọi giao dịch mua bán diễn ra thuận lợi. Hôm chị chuyển nhà, anh chàng cò đất còn xăng xái giúp làm cửu vạn khuân vác đồ đạc cho 3 mẹ con chị suốt từ sáng đến chiều, mồ hôi nhễ nhại mà không chịu lấy một đồng tiền công.
Chồng tiền xong, 3 mẹ con chị về ở, ngày ngày vui thú với mảnh vườn nhỏ, chăm sóc cây cối. Nhưng ngặt nỗi, mấy cây bưởi, cây cam cứ mỗi ngày một héo hon. Hỏi, bà cụ bảo chắc mấy mẹ con cô không có tay trồng. Được độ hai chục hôm thì cây trong vườn chết sạch, chị phải thuê người đến dọn vứt đi.
Mấy bữa sau nữa, sáng sớm chị chuẩn bị đi làm thì có 2 người đàn ông trung niên đến xin gặp. Họ tự giới thiệu là người của địa chính xã đến đo đạc để làm sổ đỏ. Bà cụ không hiểu sao lại biết, xăng xái chạy sang, kéo chị vào buồng trong bảo, cô phong bì cho họ chút đỉnh để họ làm cho nhanh, khỏi vặn vẹo. Biết mình yếu thế vì mua bán nhà chỉ với giấy viết tay, chưa có bất cứ giấy tờ gì chứng minh mình là chủ của ngôi nhà này nên chị Như cũng đành lòng bỏ hai tờ 500 nghìn mới cứng vào phong bì, dúi vào tay hai ông "cán bộ địa chính".
Sau đận ấy, chị đợi chờ mãi dễ đến cả năm mà vẫn không thấy ai động tĩnh gì đến chuyện cấp sổ đỏ. Bắt đầu cảm thấy sốt ruột, chị chạy sang gặp bà cụ để hỏi nhưng cụ bảo cứ từ từ. Nhờ cụ ra xã hỏi dăm lần bảy lượt, cụ nhất định không chịu đi. Đánh liều, chị Như xin nghỉ một ngày làm ra xã hỏi cho ra nhẽ.
Không ngờ, đó lại là ngày bất hạnh nhất trong cuộc đời chị. Sau này, chị kể lại rằng, còn bất hạnh hơn cả cái ngày mà chồng chị bỏ 3 mẹ con chị ra đi. Ra xã, người ta mới cung cấp cho chị thông tin sét đánh ngang tai: Mảnh đất đó là đất "nhảy dù" nên không thể làm sổ đỏ được. Xã chưa bao giờ cử bất kỳ một cán bộ địa chính nào xuống làm việc với gia đình chị.
Sau này, tiếp tục tìm hiểu chị mới tá hỏa khi được biết, thì ra đó chỉ là một màn kịch mà đạo diễn là anh chàng cò đất nọ. Cái vườn trước nhà cũng là do "đạo diễn" dựng nên, bứng cây ở chỗ khác về trồng nên chỉ sau độ một tháng là héo rũ. Bà cụ chủ đất và hai anh "cán bộ địa chính" rởm cũng là người của "đạo diễn" cả. Tham rẻ và không chịu tìm hiểu nguồn gốc mảnh đất trước khi giao tiền, chị đã sập bẫy lừa đảo một cách đau xót.
Bán chung cư… giấy
Nạn nhân của Phạm Duy Luật, Giám đốc Công ty Hải Phú Sơn, kẻ đã bị Tòa án Nhân dân Tp Hà Nội tuyên án tù chung thân về tội lừa đảo không phải chỉ có một người mà là rất nhiều người. Tất cả họ đã rút hầu bao nộp cho Luật nhiều tỉ đồng để mua những căn hộ chung cư vĩnh viễn chỉ ở trên giấy.
Số là biết ở Thạch Bàn, Gia Lâm có một khu đất rộng 8.000m2. Tuy khu đất này đã có chủ nhưng chủ đất khai thác không có hiệu quả nên Phạm Duy Luật đã lấy danh nghĩa Công ty Hải Phú Sơn làm thủ tục trình các cấp có thẩm quyền xin được đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng, biệt thự cho thuê và khu vui chơi giải trí. Đề nghị của Luật được chấp nhận với điều kiện Công ty Hải Phú Sơn phải lập dự án sử dụng theo quy hoạch, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đúng các quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng, quy định quản lý đất đai.
Thế nhưng, Luật không lập dự án mà lập tức thuê Hùng về làm cùng với Luật thành một cặp bài trùng lừa đảo. Tiếng là phong cho Hùng chức Trưởng phòng Kinh doanh BĐS của Công ty Hải Phú Sơn nhưng thực chất là Hùng chỉ thay mặt Luật để thu tiền của khách hàng. Hùng thuê người vẽ bản đồ quy hoạch khu đất Thạch Bàn thành các lô nhà ở, trông ngon lành như thật và lấy đó làm căn cứ để thu tiền của những người mua nhà dưới hình thức "Hợp đồng góp vốn đầu tư". Cứ tin rằng, các lô nhà… trên giấy ấy là thật mà không hay biết rằng thực chất ở đây không hề có bất kỳ một dự án nhà ở nào của Hải Phú Sơn, 22 người có nhu cầu mua nhà cứ thế lũ lượt kéo nhau ký hợp đồng rồi rút hầu bao đưa cho Hùng và Luật nhiều tỉ đồng.
Cũng áp dụng mánh lừa bán nhà trên giấy nhưng Trần Thu Huyền, Giám đốc Công ty Cổ phần Sơn Châu Á, đối tượng vừa bị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế Công an Tp Hà Nội bắt cách đây ít lâu lại tinh vi hơn nhiều. Huyền chọn các dự án nhà ở có thật, đang triển khai xây dựng ở các khu đất vàng để làm mồi câu. Nếu như những người có nhu cầu mua nhà ở chỉ được Luật và Hùng cho xem trên… bản đồ thì Huyền, để tạo lòng tin tuyệt đối cho khách hàng, đã dẫn họ đến xem các dự án nhà ở đang xây dựng, thậm chí có dự án đã vào giai đoạn hoàn thiện như dự án 136 Hồ Tùng Mậu, B4 Kim Liên, dự án nhà ở Thành Công II… Huyền đưa ra cho khách hàng các văn bản, giấy tờ để chứng minh rằng Công ty của Huyền đã góp vốn đầu tư vào các dự án này.
Mãi sau này những người bị hại mới biết đó hoàn toàn là giấy tờ giả chứ lúc đó với mớ giấy tờ toàn dấu đỏ chót này, Huyền đã dẫn dụ người mua tin rằng công ty của Huyền đã góp vốn đầu tư vào các dự án đó. Vì vậy mà Huyền đã lừa bán các căn hộ ở đây một cách dễ dàng cho người mua.
Khi Huyền bị bắt, nhiều bị hại tá hỏa tam tinh đem mớ giấy tờ dấu đỏ đó đến các dự án để kiểm tra thì mới biết các căn hộ mà họ mua thông qua Huyền thực chất đã có chủ. Các dự án này không có bất cứ mối quan hệ làm ăn kinh doanh gì với cá nhân Huyền cũng như Công ty Cổ phần Sơn Châu Á.
Cú lừa triệu đô và thủ đoạn “bán nhà… của người khác”
Một vụ lừa đảo vừa mới được đưa ra xét xử tại TAND TP Hà Nội mà mới nghe cứ tưởng chuyện… đùa. Chủ của mảnh đất 102m2 ở phường Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì là ông Ngô Văn Sử, cư trú tại thị trấn Văn Điển. Nhưng do nhà ông Sử ở cách xa lô đất này nên ông Sử hầu như không ngó ngàng tới nó. Cho đến một ngày, tình cờ tới xã Thịnh Liệt, ông choáng váng khi thấy trên mảnh đất của mình mọc lên 2 ngôi nhà 4 tầng liền kề nhau, to vật vã. Vào hỏi chủ của hai ngôi nhà này là ông Nguyễn Văn Long thì được biết, không phải bỗng dưng ông Long "nhảy dù" vào đây chiếm dụng đất dựng nhà mà ông đã bỏ cả tỉ đồng ra mua mảnh đất này.
Hoảng hốt, ông Sử quyết tìm cho ra nguồn cơn của câu chuyện lạ lùng này thì được biết người đem mảnh đất của ông đi bán là một người ở cùng phường Thịnh Liệt. Đó là Bùi Bài Chiến sinh năm 1956, trú tại tổ 14A, phường Thịnh Liệt. Với hành vi lừa đảo, Chiến đã bị tuyên phạt 13 năm tù giam nhưng người phải gánh chịu thiệt hại và nhiều hệ lụy rắc rối trong vụ án này chính là người đã trao nhầm tiền cho người không phải là chủ sở hữu của mảnh đất.
|
Cũng bán nhà… của người khác nhưng còn cao tay hơn Chiến là Đinh Thị Hải. Dàn dựng nên một kịch bản lừa tinh vi, Hải đã bán nguyên cả một ngôi biệt thự thuộc sở hữu của… Nhà nước ở giữa trung tâm Hà Nội. Với cú lừa ngoạn mục này, Đinh Thị Hải đã chiếm đoạt được cả triệu USD. Nhìn Hải run rẩy trước vành móng ngựa, không ai có thể hình dung được người đàn bà nom chất phác hiền lành kia lại có thể là tác giả của một kịch bản lừa tinh vi đến vậy.
Ngôi nhà số 36B phố Trần Hưng Đạo trước đây thuộc quyền sử dụng của bà Nguyễn Thị Hoa, bác chồng Hải. Nhưng sau năm 1954, gia đình bà Hoa đã sang Pháp định cư vì vậy ngôi nhà này thuộc diện "vắng chủ". Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất Hà Nội đã thu hồi nhà đất (rộng 1.262m2) tại 36B phố Trần Hưng Đạo để cho các hộ dân thuê ở.
Sống ở Hà Nội, biết rõ hiện trạng ngôi nhà nhưng Đinh Thị Hải vẫn xin bà Hoa ủy quyền cho mình giải quyết mọi vấn đề liên quan đến thủ tục chuyển nhượng nhà số 36B phố Trần Hưng Đạo. Mục đích của việc làm này là hòng để phục vụ cho mưu đồ lừa đảo sau này. Hải đã tự soạn giấy ủy quyền thuê dịch sang tiếng Pháp rồi chuyển cho bà Hoa. Từ nước Pháp xa xôi, không biết mục đích đen tối của đứa cháu chồng, bà Hoa và con trai đã ký xác nhận rồi gửi về Việt Nam cho Hải…
Sau khi có trong tay giấy ủy quyền từ Pháp của bà Hoa, Hải thuê Công ty CP Trắc địa địa chính số 9 lập hồ sơ kỹ thuật và vẽ sơ đồ thửa đất số nhà 36B. Nhưng do Hải nhầm lẫn, công ty này đã vẽ thửa đất ở số 36A phố Trần Hưng Đạo.
Với toàn bộ các giấy tờ này, Hải đã tìm người để bán ngôi nhà 36B. Sau khi vớ được người mua, Hải đã ký hợp đồng chuyển nhượng căn nhà này với giá 13.200.000USD. Tin rằng ngôi nhà đó là của Hải, 3 người mua đã chuyển cho Hải số tiền 400 triệu đồng và 1.002.613USD.
Hải bị tuyên án tù chung thân nhưng đến khi ra Tòa, Hải cũng chỉ mới trả lại cho những người bị hại có 5 tỉ đồng trong tổng số tiền mà thị đã chiếm đoạt của họ. Thị nói rằng thị không có khả năng bồi hoàn tiếp vì toàn bộ số tiền thị chiếm đoạt của những người bị hại thị đã chuyển cho một đối tượng tên là Dương nào đó.
Vậy là, cuối cùng, thiệt hại người mua phải lãnh đủ. Và, bởi thế, bài học cẩn trọng trong các giao dịch trên thị trường bất động sản vẫn là một bài học đắt giá
(Theo An ninh thế giới online)
Xem những bài viết liên quan:
SAU NHIỀU NĂM MUA CONDOTEL 5 SAO Ở ĐÀ NẴNG, GẦN 100 KHÁCH HÀNG KÊU CỨU VÌ KHÔNG NHẬN ĐƯỢC SỔ ĐỎ
Dù đã đi vào hoạt động gần 2 năm nay, chủ sở hữu căn hộ đã đóng hết tiền và nộp lệ phí làm các thủ tục theo yêu cầu của chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến nay cả trăm khách hàng mua căn hộ khách sạn (condotel) Fu...
BỊ "BOM" TIN NHẮN TỪ SIM "RÁC", VỢ ĐÒI LY DỊ
Hàng trăm tin nhắn từ một số thuê bao tự xưng là 'vợ nhỏ' của anh L. khiến mâu thuẫn gia đình ngày càng trầm trọng. Vợ anh L. chịu không nổi đã nộp đơn ra tòa đòi ly dị. Hơn 1 năm qua, vợ chồng anh L.N.D.L (ng...
Cảnh sát kiểm tra những gì khi ra hiệu lệnh dừng xe
Cảnh sát ngoài kiểm tra giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe... của người tham gia giao thông còn kiểm soát các đồng hồ trên bảng táplô, thiết bị giám sát hành trình, phanh. &midd...
Quyền của cảnh sát giao thông theo quy định mới
Cảnh sát giao thông từ ngày 15/2 có quyền kiểm tra giấy tờ của người ngồi trên phương tiện đang bị kiểm soát, được trưng dụng các loại phương tiện. Ngày 15/2, Thông tư 01/2016 Quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần...