THỦ TỤC HỒI HƯƠNG, CHUYỂN TÀI SẢN VÀ ĐĂNG KÝ THƯỜNG TRÚ TẠI VIỆT NAM
1. Hồi hương về Việt Nam:
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, người Việt Nam định cư tại nước ngoài có thể thực hiện thủ tục hồi hương theo hai trường hợp sau đây căn cứ vào giấy tờ được sử dụng để xin về Việt Nam đăng ký thường trú (hồi hương):
a. Trường hợp 1: Sử dụng hộ chiếu nước ngoài còn giá trị sử dụng hoặc giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp để làm thủ tục:
Đối với trường hợp này, căn cứ theo quy định tại Mục II - Thông tư liên tịch số 05/2009/TTLT-BCA-BNG ngày 12/05/2009 của Bộ Công an và Bộ Ngoại giao hướng dẫn giải quyết cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký thường trú tại Việt Nam đã được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư liên tịch số 01/2012TTLT-BCA-BNG: để xin đăng ký thường trú (hồi hương) tại Việt Nam, người Việt Nam định cư tại nước ngoài chuẩn bị hồ sơ xin đăng ký thường trú nộp tại:
- Cơ quan đại diện Việt Nam nơi người nộp hồ sơ đang cư trú (“cơ quan đại diện Việt Nam”); hoặc
- Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an hoặc
- Phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người nộp hồ sơ đề nghị được về thường trú.
Đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cơ quan đại diện Việt Nam, kết quả của thủ tục chính là Giấy thông hành hồi hương cho người được phép về Việt Nam thường trú do cơ quan đại diện Việt Nam cấp. Giấy thông hành hồi hương được cấp cho từng người, có giá trị 12 tháng, kể từ ngày cấp và không được gia hạn.
Sau khi được cấp Giấy thông hành hồi hương, người Việt Nam định cư tại nước ngoài phải về Việt Nam để thực hiện thủ tục đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật cư trú Việt Nam.
b. Trường hợp 2: Sử dụng hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng để về Việt Nam làm thủ tục:
Đối với trường hợp này, căn cứ theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Thông tư số 35/2014/TT-BCA của Bộ Công An ngày 09/09/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18/04/2014 về cư trú (“Thông tư 31/2014”), công dân Việt Nam định cư tại nước ngoài được về Việt Nam đăng ký thường trú mà không phải xin cấp Giấy thông hành hồi hương về Việt Nam.
2. Về hồ sơ và thủ tục đăng ký thường trú tại Việt Nam:
Hồ sơ gồm:
· Giấy thông hành hồi hương (nếu bạn thực hiện theo trường hợp thứ 1) hoặc Hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy tờ khác có giá trị thay hộ chiếu còn giá trị sử dụng có dấu kiểm chứng của lực lượng kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu (nếu bạn thực hiện theo trường hợp 2) nộp tại Công an huyện, quận, thị xã (nếu đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương) hoặc tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh (nếu đăng ký thường trú tại các tỉnh khác);
· Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
· Bản khai nhân khẩu (đối với trường hợp phải khai bản khai nhân khẩu);
· Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp (xem quy định về các giấy tờ, tài liệu này tại Điều 6 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú).
+ Nếu chỗ ở hợp pháp là do thuê, mượn, ở nhờ thì bạn phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho đăng ký thường trú vào chỗ ở của mình và ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ, tên. Trường hợp người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đã có ý kiến bằng văn bản đồng ý cho đăng ký thường trú vào chỗ ở của mình thì bạn không cần phải ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.
+ Nếu chỗ ở hợp pháp là do thuê, mượn, ở nhờ tại thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về điều kiện diện tích bình quân bảo đảm theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương.
+ Nếu chuyển đến ở với ông/ bà nội, ông/bà ngoại, cha/mẹ, con anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, cháu ruột của mình thì không phải xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp nhưng phải xuất trình giấy tờ chứng minh hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về mối quan hệ nêu trên.
Lưu ý: Trong trường hợp đăng ký thường trú (hồi hương) tại thành phố trực thuộc Trung ương thì phải đáp ứng thêm các điều kiện và chuẩn bị thêm các giấy tờ theo quy định tại Điều 7 Thông tư 35/2014)
Thời hạn giải quyết hồ sơ: Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
(khoản 1, điểm đ, điểm e khoản 2 và khoản 3, Điều 6 Thông tư 35/2014; Điều 7 Thông tư số 35/2014)
3. Thủ tục chuyển tài sản về Việt Nam:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 20 Điều 4 Luật hải quan 2014, khoản 3 Điều 45 Nghị định 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan (“Nghị định 08/2015”), khoản 2 Điều 12 Thông tư số 128/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 10/09/2013 hướng dẫn thủ tục kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất, nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (“Thông tư 128/2013”), để chuyển tài sản về Việt Nam, bạn cần chuẩn bị hồ sơ gồm có:
- Tờ khai hải quan;
- Bảng kê chi tiết tài sản;
- Văn bản chứng minh việc được về Việt Nam cư trú;
- Chứng từ vận tải trong trường hợp tài sản vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không, đường sắt;
- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản, trừ đồ dùng, vật dụng phục vụ sinh hoạt bình thường của gia đình, cá nhân; và
- Giấy tờ khác theo yêu cầu của cơ quan hải quan.
Nơi làm thủ tục: Chi cục Hải quan tại cửa khẩu.
Cần liên hệ với cơ quan hải quan để chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để thực hiện.
Lưu ý: theo quy định tại Điều 100 Thông tư 128/2013:
- Tài sản mang về nước khi được phép định cư tại Việt Nam thuộc diện được miễn thuế nhập khẩu.
- Đối với xe ô tô, xe mô tô đang sử dụng của gia đình, cá nhân mang vào Việt Nam khi được phép định cư tại Việt Nam thì chỉ được miễn thuế nhập khẩu mỗi thứ một chiếc.
Vui lòng liên hệ với Công ty Luật Sứ Mệnh Vàng qua số điện thoại 0914500518 để được tư vấn cụ thể hơn.
Xem những bài viết liên quan:
THỦ TỤC CẤP GIẤY XÁC NHẬN LÀ NGƯỜI GỐC VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý: Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008; Nghị định số 16/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008; Thông tư số 02/2020/TT-BTP ngày 08...
THỦ TỤC CẤP GIẤY XÁC NHẬN CÓ QUỐC TỊCH VIỆT NAM Ở TRONG NƯỚC
Hiện nay, có tình trạng rất nhiều bà con kiều bào ở nước ngoài không xác định được mình có quốc tịch Việt Nam hay không? Như thế ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của mình mà lẽ ra mỗi công dân có quốc...
Tài sản của người bị tuyên bố là đã chết xử lý thế nào?
Một người bị tuyên bố là đã chết sẽ phát sinh hậu quả pháp lý gì về nhân thân và tài sản? Người bị tuyên bố đã chết trong trường hợp nào? Theo Điều 71 Bộ luật Dân sự năm 2015, một người bị To&a...
THỦ TỤC TUYÊN BỐ MỘT NGƯỜI ĐÃ CHẾT
Khi một người mất tích đã quá lâu thì người thân sẽ tuyên bố người đó đã chết. Điều kiện và thủ tục tuyên bố một người đã chết thực hiện thế nào? 1. Điều kiện tuyên bố một người đã chết Khô...