Kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm
Kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm là hoạt động tố tụng của các chủ thể có quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật nhằm chống lại bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án. Đối tượng mà đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện có quyền làm đơn kháng cáo để yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp giải quyết theo thủ tục phúc thẩm gồm: Bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa sơ thẩm.
1. Đối tượng của kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm: Theo quy định tại Điều 243, Điều 250 BLTTDS thì đối tượng của kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm vụ án dân sự gồm:
- Bản án sơ thẩm của Tòa án chưa có hiệu lực pháp luật.
- Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án chưa có hiệu lực pháp luật.
- Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án chưa có hiệu lực pháp luật.
Theo những quy định trên, mặc dù trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm, Tòa án có thẩm quyền ra nhiều loại quyết định như: quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự... nhưng chỉ có hai quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đó là quyết định tạm đình chỉ và quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
2. Những người có quyền kháng cáo bản án, quyết định dân sự sơ thẩm của Tòa án là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án gồm: Đương sự, người đại diện của đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự.
3. Người có quyền kháng nghị bản án, quyết định dân sự sơ thẩm của Tòa án: là Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp và Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp.
4. Yêu cầu đối với kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm.
- Việc kháng cáo của đương sự phải có đơn kháng cáo gửi Tòa án sơ thẩm đã ra bản án/quyết định bị kháng cáo.
- Trường hợp đơn kháng cáo gửi cho Toà án cấp phúc thẩm thì Toà án đó phải chuyển cho Toà án cấp sơ thẩm để tiến hành các thủ tục cần thiết và gửi kèm hồ sơ vụ án cho Toà án cấp phúc thẩm theo quy định tại Điều 255 BLTTDS.
- Kèm theo đơn kháng cáo là các tài liệu, chứng cứ bổ sung để chứng minh kháng cáo có căn cứ và hợp pháp.
* Trường hợp Viện kiểm sát thực hiện quyền kháng nghị thì việc kháng nghị phải được thực hiện bằng văn bản và có các nội dung chính theo quy định tại khoản 1 Điều 251 BLTTDS. Quyết định kháng nghị phải được gửi ngay cho Toà án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng nghị để Toà án cấp sơ thẩm tiến hành các thủ tục do BLTTDS quy định và gửi hồ sơ vụ án cho Toà án cấp phúc thẩm theo quy định tại Điều 255 của BLTTDS.
Kèm theo quyết định kháng nghị là các tài liệu, chứng cứ bổ sung để chứng minh cho kháng nghị của Viện kiểm sát là có căn cứ và hợp pháp.
5. Thời hạn kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
- Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Toà án cấp sơ thẩm là mười lăm ngày, kể từ ngày tuyên án;
- Nếu đương sự không có mặt tại toà thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết.
- Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm là bảy ngày, kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định. Trong trường hợp đơn kháng cáo gửi qua bưu điện thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày bưu điện nơi gửi đóng dấu ở phong bì.
Về nguyên tắc, kháng cáo được thực hiện trong thời hạn trên là kháng cáo hợp lệ và nếu được thực hiện sau thời hạn đó là kháng cáo quá hạn. Sau khi nhận được đơn kháng cáo quá hạn, Toà án cấp sơ thẩm phải gửi đơn kháng cáo, bản tường trình của người kháng cáo về lý do kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ, nếu có cho Toà án cấp phúc thẩm xem xét, quyết định. Trong thời hạn mười ngày kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Toà án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng gồm ba Thẩm phán để xem xét kháng cáo quá hạn. Hội đồng có quyền ra quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn và phải ghi rõ lý do của việc chấp nhận hoặc không chấp nhận trong quyết định. Toà án cấp phúc thẩm phải gửi quyết định cho người kháng cáo quá hạn và Toà án cấp sơ thẩm; nếu Toà án cấp phúc thẩm chấp nhận việc kháng cáo quá hạn thì Toà án cấp sơ thẩm phải tiến hành các thủ tục cần thiết và gửi hồ sơ vụ án cho Toà án cấp phúc thẩm.
- Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Toà án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là mười lăm ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là ba mươi ngày, kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên toà thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án. Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm là bảy ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là mười ngày, kể từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được quyết định.
6. Giải quyết kháng cáo kháng nghị: Sau khi chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ, Toà án cấp sơ thẩm phải thông báo ngay bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự có liên quan đến kháng cáo biết về việc kháng cáo. Trường hợp có kháng nghị thì Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị phải gửi ngay quyết định kháng nghị cho đương sự có liên quan đến kháng nghị. Người được thông báo về việc kháng cáo, kháng nghị có quyền gửi văn bản nêu ý kiến của mình về nội dung kháng cáo, kháng nghị cho Toà án cấp phúc thẩm. Văn bản nêu ý kiến của họ được đưa vào hồ sơ vụ án.
7. Thủ tục kháng cáo:
Để thực hiện việc kháng cáo, người kháng cáo phải chuẩn bị hồ sơ như sau:
a. Đơn kháng cáo ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2006/NQ-HĐTP ngày 04 tháng 8 năm 2006 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.
Đơn kháng cáo phải có các nội dung chính sau đây: Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo; Tên, địa chỉ của người kháng cáo; Kháng cáo phần nào của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật; Lý do của việc kháng cáo và yêu cầu của người kháng cáo; Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo.
b. Đơn kháng cáo phải được gửi cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định sơ thẩm.
c. Nếu đơn kháng cáo gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm thì Tòa án đó phải chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm để tiến hành các thủ tục cần thiết và gửi kèm hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp phúc thẩm.
Xem những bài viết liên quan:
Tìm luật sư giỏi, thuê luật sư tư vấn uy tín
Thuê luật sư giỏi, nhiều kinh nghiệm phí bao giờ cũng cao, Thuê luật sư tư vấn, đại diện khởi kiện tham gia tranh tụng tại tòa án giải quyết tranh chấp đất đai, ly hôn, hợp đồng, lao động, luật sư bào chữa hình sự là điều hết...
Dịch vụ luật sư tham gia tố tụng tại tòa án
Dịch vụ luật sư tranh tụng là dịch vụ trọng tâm, vượt trội của Luật Sứ Mệnh Vàng. Với đội ngũ luật sư có bề dày kinh nghiệm thực chiến, kiến thức chuyên môn sâu rộng, tận tâm nhiệt thành với công việc, Luật Sứ Mệnh Vàng ng...
Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự ở giai đoạn xét xử sơ thẩm
Trên cơ sở phân tích, đánh giá việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự ở giai đoạn xét xử sơ thẩm, bài viết đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật. 1. Đặt vấn đề Giải quyết vấn đề dân sự...
DANH SÁCH CÁC NƯỚC & LOẠI GIẤY TỜ ĐƯỢC MIỄN HỢP PHÁP HOÁ, CHỨNG NHẬN LÃNH SỰ
DANH SÁCH CÁC NƯỚC & LOẠI GIẤY TỜ ĐƯỢC MIỄN HỢP PHÁP HOÁ, CHỨNG NHẬN LÃNH SỰ (Nguồn: Cục Lãnh sự) (Cập nhật tháng 4/2017) ---------------------------- Cá...