KẾT HÔN Ở NƯỚC NGOÀI RỒI LẤY VỢ VIỆT NAM ĐƯỢC KHÔNG?
Nội dung yêu cầu tư vấn: Tôi 31 tuổi, là nam giới, công dân Việt Nam, hiện sống và làm việc tại Mỹ Tho, Tiền Giang. Năm 2011, tôi đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản và đã kết hôn với một cô gái người Nhật, giấy chứng nhận kết hôn do cơ quan có thẩm quyền Nhật Bản cấp. Chúng tôi không thông báo việc kết hôn này với chính quyền Việt Nam. Được hai năm rưỡi, giữa chúng tôi nảy sinh những mâu thuẫn lớn và tôi bỏ về Việt Nam mà chưa làm thủ tục ly hôn với vợ.
Tôi xin phép được hỏi luật sư :
1. Việc kết hôn của tôi và vợ ở nước ngoài như đã trình bày có được công nhận về pháp lý ở Việt Nam?
2. Tôi kết hôn lại tại Việt Nam thì có vi phạm luật hôn nhân và gia đình của Việt Nam không?
3. Trường hợp vợ cũ khởi kiện tôi vì tôi đã có vợ khác trong khi chưa ly hôn vợ tại Nhật thì Tòa án có thụ lý không? Trách nhiệm pháp lý của tôi ra sao?.
Chân thành cảm ơn Luật sư!
Phạm Đình
(Mỹ Tho, Tiền Giang)
Luật sư chuyên hôn nhân và gia đình tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi xin tư vấn cho Luật sư Công ty Luật Sứ Mệnh Vàng.
Thứ nhất, quan hệ hôn nhân của hai bạn có được công nhận tại Việt Nam hay không?
Căn cứ tại Điều 125 Luât Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
“Điều125. Công nhận, ghi chú bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về hôn nhân và gia đình
1. Việc công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài có yêu cầu thi hành tại Việt Nam được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
2. Chính phủ quy định việc ghi vào sổ hộ tịch các việc về hôn nhân và gia đình theo bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam hoặc không có đơn yêu cầu không công nhận tại Việt Nam; quyết định về hôn nhân và gia đình của cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài”.
Đồng thời, Điều 34 Nghị định 123/2015-CP quy định:
“Điều 34. Điều kiện ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài
1. Việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau hoặc với người nước ngoài đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài được ghi vào Sổ hộ tịch nếu tại thời điểm kết hôn, các bên đáp ứng đủ điều kiện kết hôn và không vi phạm điều cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam.
2. Nếu vào thời điểm đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, việc kết hôn không đáp ứng điều kiện kết hôn, nhưng không vi phạm điều cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, nhưng vào thời điểm yêu cầu ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn, hậu quả đã được khắc phục hoặc việc ghi chú kết hôn là nhằm bảo vệ quyền lợi của công dân Việt Nam và trẻ em, thì việc kết hôn cũng được ghi vào Sổ hộ tịch”.
Theo đó, bạn và vợ đã đăng ký kết hôn tại Nhật theo pháp luật Nhật Bản, bạn muốn quan hệ hôn nhân của hai bạn được công nhận tại Việt Nam thì hai bạn buộc phải được cơ quan có thẩm quyền Việt Nam ghi chú vào Sổ hộ tịch. Trên thực tế, hai bạn không thực hiện việc yêu cầu ghi vào Sổ hộ tịch sự kiện hai bạn đăng ký kết hôn nên trong trường hợp này quan hệ hôn nhân của hai bạn chưa được pháp luật Việt Nam thừa nhận.
Thứ hai, nếu bạn kết hôn lại tại Việt Nam thì có vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình không?
Căn cứ Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định :
“Điều 8. Điều kiện kết hôn
1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.
Tham chiếu các quy định tại Điểm a, b, c, d Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn Nhân và gia đình năm 2014 thì pháp luật cấm kết hôn giữa:
“c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ”.
Theo đó, mặc dù quan hệ hôn nhân của vợ chồng bạn chưa được công nhận tại Việt Nam nhưng bạn vẫn được xác định là đã có vợ tại Nhật. Pháp luật Việt Nam quy định khi thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn bạn phải cung cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, Cụ thể, trong thời gian tại Nhật bạn đã đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền Nhật Bản nên trong trường hợp này xác định là bạn không độc thân. Vì vậy, bạn không thể thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn với một người khác tại Việt Nam. Nếu vì một lý do nào đó, bạn vẫn có được Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là độc thân thì việc xác nhận đó là không phù hợp và việc kết hôn của bạn là trái luật.
Thứ ba, vợ bạn có thể khởi kiện bạn không? Trách nhiệm pháp lý của bạn ra sao?
Như đã phân tích ở trên, trường hợp bạn kết hôn với một người người khác khi chưa chấm dứt quan hệ hôn nhân với vợ thì bạn có thể bị truy cứu TNHS về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng nếu bạn có một trong các dấu hiệu được quy định tại Điều 182 Bộ luật hình sự 2015, cụ thể:
"Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó".
Tham chiếu điều luật trên, trong trường hợp nếu bạn có các dấu hiệu thuộc quy định tại Điều 182 BLHS thì bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng.
Hôn nhân gia đình, đặc biệt là Hôn nhân có yếu tố nước ngoài là một lĩnh vực khó và nhạy cảm. Mọi người cần có Luật sư hỗ trợ pháp lý trong từng trường hợp cụ thể của mình.
Liên hệ Luật sư Hôn nhân và gia đình: 0914.500518
Chúc bạn bình an, may mắn!
Trân trọng,
Luật sư chuyên tư vấn hôn nhân và gia đình.
Xem những bài viết liên quan:
Phản tố trong vụ án ly hôn
Phản tố trong vụ án ly hôn Vụ án ly hôn cũng là vụ án được giải quyết theo tố tụng dân sự. Tuy nhiên, vụ án ly hôn có những đặc trưng, khác biệt so với vụ án dân sự thông thường. Quan hệ phản t...
Lý do khiến bạn cần thuê luật sư tư vấn ly hôn
1. Luật sư hỗ trợ chuẩn bị các loại giấy tờ đầy đủ và chính xác Giấy tờ và hồ sơ để hoàn tất thủ tục ly hôn khá phức tạp. Luật sư chuyên về ly hôn là những người am hiểu chuyên sâu về pháp luật trong lĩnh...
Giải quyết ly hôn trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng mất tích
Thủ tục giải quyết ly hôn trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng mất tích Ly hôn trong trường hợp một bên mất tích được hiểu như thế nào? Theo Khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định: Ly hôn là...
THỦ TỤC LY HÔN
Thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ ly hôn: Tòa án nhân dân quận/ huyện nơi bị đơn cư trú. Hình thức nộp hồ sơ ly hôn: Người khởi kiện gửi hồ sơ ly hôn kèm theo tài liệu, chứng cứ đến Tòa án có thẩm quyền bằ...